follow

- See more at: http://hientrienmien.blogspot.com/2014/08/code-follow.html#sthash.0vtRj7C1.dpuf

Thứ Tư, 27 tháng 8, 2014

MẸ SẦU BI

Mẹ Sầu Bi
(Bài suy tư của Đức Cha Giuse Vũ Văn Thiên)
Trong quan niệm đời thường, người ta thích nhắc tới những kỷ niệm vui đã từng gặp trong đời. Bởi lẽ mỗi khi nhắc tới những kỷ niệm đó, người ta cảm thấy hạnh phúc và an bình. Trong các tước hiệu người tín hữu công giáo dành cho Đức Mẹ, có một tước hiệu không gợi đến một nhân đức hay một đặc ân của Đức Mẹ, đó là Mẹ Sầu Bi. Truyền thống của Giáo Hội từ lâu cũng suy gẫm về các sự đau khổ của Đức Trinh Nữ qua kinh “Ngắm bảy sự đau đớn Đức Bà”. Tại sao lại tính sự đau khổ của Đức Mẹ với con số bảy? Thiển nghĩ, số bảy tượng trưng cho con số đầy đủ và viên mãn, như một tuần có bảy ngày phỏng theo tác giả sách Sáng Thế; hoặc người Do Thái quan niệm tha thứ bảy lần; hay truyền thống của người Do Thái cứ bảy năm thì cho đất đai được nghỉ ngơi và cho nô lệ phóng thích. Khi liệt kê có bảy sự thương khó của Đức Mẹ, phải chăng truyền thống đạo đức bình dân muốn khẳng định: Đức Mẹ đã chịu rất nhiều đau khổ. Nếu Đức Giê-su đã trải qua mười bốn chặng đường thánh giá (gấp đôi con số bảy), thì Đức Mẹ cũng đồng lao cộng khổ với Người. Bảy sự đau đớn của Đức Trinh Nữ Maria được sắp xếp như sau: 1-Lời ngôn sứ của cụ già Si-mê-on; 2-Trốn sang Ai-cập; 3-Đức Mẹ lạc mất Chúa Giê-su; 4-Đức Mẹ gặp Chúa Giê-su vác thánh giá; 5-Đức Mẹ dưới chân thập giá và chứng kiến cơn hấp hối của Con mình; 6-Đức Mẹ ôm xác con mình khi tháo đanh từ thập giá; 7-Đức Mẹ cùng với các môn đệ táng xác Chúa Giê-su.
Nếu chỉ tôn vinh Đức Mẹ như một tạo vật được Thiên Chúa ưu đãi, ta có cảm tưởng như Đức Mẹ đương nhiên được Chúa bao bọc và con đường nên thánh của Đức Mẹ được trải toàn nhung lụa. Không phải thế, mặc dầu được Thiên Chúa gìn giữ từ khi thụ thai khỏi tội nguyên tổ, nhưng vinh quang của Đức Mẹ là kết quả của cuộc đời yêu mến Chúa và hiến toàn thân cho Ngài. “Lửa thử vàng, gian nan thử đức”, những đau khổ Mẹ đã gánh chịu chính là bằng chứng cho lòng trung thành bền chí của Mẹ. Từ giây phút nói lời “Xin vâng” trước lời đề nghị của sứ thần Ga-bri-en, Mẹ đã bước vào một hành trình mới, xen lẫn vui mừng và khổ đau, như lời cụ già Si-mê-on tại Đền thờ Giê-ru-sa-lem đã báo trước. Phụng vụ của Giáo Hội đã áp dụng cho Đức Trinh Nữ Maria hình ảnh của người phụ nữ đau khổ được nhắc tới trong sách Ai-ca: “Hỡi những khách qua đường, hãy trông xem: Có đớn đau nào như cái đớn đau hành hạ thân tôi!” (Ai-ca 1,12).
Tại thành phố Portland, thuộc tiểu bang Oregan, Hoa Kỳ, Đức Mẹ Sầu Bi được tôn kính cách đặc biệt từ những năm 20 của thế kỷ trước. Đây là một vùng đồi núi, quanh năm được phủ kín một màu xanh của những rừng thông bạt ngàn. Tượng Đức Mẹ Sầu Bi (Pieta) trạm khắc bằng đá cẩm thạch màu trắng ngự trong một hang đá lớn. Cạnh đó là một ngôi nhà thờ trước đây của một tu viện thuộc dòng Nữ tỳ Đức Maria. Từ gần một thế kỷ, nơi đây đã trở thành Đền thánh quốc gia tôn kính Mẹ Sầu Bi (The National Sanctuary of Our Sorrowful Mother). Được biết, với sự hiện diện của cộng đoàn công giáo Việt Nam từ năm 1977 tại thành phố Portland, ngày hành hương truyền thống vào dịp đầu tháng 7 dương lịch hằng năm trở nên sầm uất và sốt sắng hơn. Số giáo dân Việt Nam về tham dự ngày hành hương lên tới 6 hoặc 7 ngàn người. Người công giáo Việt Nam có truyền thống yêu mến Đức Mẹ. Những dịp hành hương kính Đức Mẹ ở trong nước cũng như ở hải ngoại cho thấy dù đi đến phương trời nào, các tín hữu Việt Nam vẫn trung thành với truyền thống tốt đẹp của mình. Người công giáo Việt Nam tôn nhận Đức Maria là Nữ Vương nước Việt Nam. Ở hải ngoại, nơi nào có cộng đoàn công giáo Việt Nam, thì nơi đó có những nhà thờ, nhà nguyện mang tên Đức Mẹ La Vang, một danh xưng gợi cho mọi người nhớ về cội nguồn tiên tổ, đồng thời cũng khích lệ họ giữ vững Đức tin và duy trì truyền thống văn hóa của Dân tộc.
Cùng với Hang đá Đức Mẹ và nhà thờ, khách hành hương còn được đến thăm khu vườn trên đỉnh đồi. Có một thang máy đưa khách hành hương lên vườn. Trên đỉnh đồi cao chừng 40 mét so với mặt đất, một khu vườn tuyệt đẹp, rộng rãi. Những thảm cỏ xanh được điểm bằng những bồn hoa muôn màu, tạo nên một cảnh quan vừa thanh bình mát mẻ, vừa trang nghiêm thanh tịnh giúp ta nâng tâm hồn lên với Chúa. Khách hành hương có thể dạo bước theo các lối đi để suy tư cầu nguyện, hoặc ngồi tại những chiếc ghế bằng gỗ dài đặt rải rác trong vườn. Nơi đây, có bảy tượng đài bằng gỗ diễn tả bảy sự đau đớn của Đức Mẹ. Tại một khu vườn bên cạnh, khách hành hương có thể suy niệm trước những bức phù điêu bằng đồng diễn tả 20 màu nhiệm Mân Côi. Giữa màu xanh của rừng thông được trang điểm bằng những vườn hồng rực rỡ, cộng với khí hậu trong lành mát mẻ và bầu khí nhẹ nhàng yên tĩnh, ta có cảm tưởng như lạc vào một thế giới linh thiêng. Nơi đây, con người dễ dàng gặp Chúa và tâm sự với Ngài. Rải rác trong vườn, ta có thể gặp thấy những nhà nguyện nhỏ bằng gỗ được dâng kính Đức Mẹ hoặc các thánh. Tại một triền đồi, nơi có thể ngắm nhìn toàn thành phố Portland, một ngôi nhà nguyện có tường toàn bằng kính được dựng lên để khách hành hương đến cầu nguyện và ngắm nhìn toàn cảnh thành phố. Trong nhà nguyện này, có tượng Đức Mẹ Sầu Bi bằng đồng được đúc theo mẫu bức tượng do ông Michelangelo chạm bằng đá cẩm thạch được trưng bày trong Đền Thánh Phê-rô ở Rô-ma.

Khi tôn vinh Đức Mẹ là Mẹ Sầu Bi, chúng ta học nơi Đức Mẹ sự can đảm và lòng trung thành với Chúa. Hình ảnh Đức Mẹ đứng kề bên thập giá Chúa Giê-su luôn là mẫu mực cho người tín hữu khi gặp khó khăn gian khổ trong cuộc đời. Trên đồi Can-vê buổi chiều năm xưa, Mẹ đứng đó, âm thầm chịu đựng, kiên vững cậy trông. Mẹ không phàn nàn kêu trách Chúa. Mẹ biết rằng Thiên Chúa có chương trình của Ngài mà con người không thể hiểu thấu. Mẹ cũng xác tín rằng những ai yêu mến Chúa không bao giờ bị bỏ rơi. Chính trong giờ phút đau thương này, lời thưa “Xin Vâng” của Mẹ từ ngày Truyền tin được lặp lại với sự khiêm nhường và tuân phục .
Mỗi khách hành hương đến với nơi này đều có một cảm nghiệm riêng, nhưng chắc chắn một điều, những ai đến đây với tâm tình cầu nguyện đều được Đức Mẹ thương an ủi vỗ về. Mẹ đã chịu nhiều đau khổ để cộng tác với Chúa Giê-su trong công cuộc cứu độ trần gian. Nay Mẹ cũng cảm thông với chúng ta là những người đang mang gánh nặng cuộc đời.
Lạy Mẹ Sầu Bi, xin thương chúc lành cho Dân tộc Việt Nam thân yêu của chúng con. Xin Mẹ nâng đỡ và thêm sức cho những ai đang chịu đau khổ, để họ vững lòng cậy trông nơi Chúa và tìm thấy hy vọng trong hành trình cuộc đời. Amen.

Portland, lễ Đức Mẹ Trinh Nữ Vương, 22-8-2014

+Gm Giuse Vũ Văn Thiên
Đức Mẹ Sầu Bi




Người Mẹ Sầu Bi
Evà xuẩn động đã bất tuân. Cũng chỉ vì say quyền lực, muốn bằng Đấng Tạo Hóa nên Evà đã giơ tay hái trái cấm. 
Dòng máu bất tuân len lỏi, thấm nhập vào con người để rồi trong con người lúc nào cũng nổi loạn và bất tuân. Tưởng chừng kinh nghiệm từ cha mẹ để lại cho mình những bài học quý báu, nhưng rồi hai anh em Cain và Aben vẫn đã có chuyện. Cain đã cam tâm sát hại em mình cũng chỉ vì ghen tương.
Thế nhưng, ngày mà con người bạo loạn lại cũng chính là ngày mà Thiên Chúa hứa ban Ơn Cứu Độ cho con người. Ơn Cứu Độ cho con người được cưu mang trong lòng "Evà mới" là Đức Trinh Nữ Maria.  "Evà cũ" bất tuân, "Evà mới" vâng phục. Đức Maria vâng phục như “Quả phúc cưu mang bởi lòng Mẹ” luôn vâng phục. Không chỉ vâng phục đơn giản nhưng bằng lòng chịu chết và chết trên thập giá như được diễn tả trong thư gửi Do Thái: “Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục; và khi chính bản thân đã tới mức thập toàn, Người trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người.” Chúa Giêsu đã vâng phục cho đến tận cùng để trở thành nguồn ơn cứu độ. Và Evà mới là Đức Trinh Nữ Maria cũng đã vâng phục Thiên Chúa luôn mãi, vâng phục từ đầu cho đến cuối đời mình.
Với tất cả tình yêu, Mẹ đã thưa xin vâng theo Thánh ý Chúa như lời sứ thần truyền cho Mẹ. Tưởng chừng sau lời xin vâng ấy, cuộc đời của Mẹ sẽ vinh quang bởi lẽ Mẹ là Mẹ của chính Thiên Chúa. Nhưng không, Mẹ đã đau khổ vì sau lời xin vâng, người bạn đời Giuse đã định tâm bỏ Mẹ. Nếu như Thánh Giuse bỏ Mẹ Maria thì Mẹ chỉ còn đối diện với cái chết chứ không thể nào thoát khỏi bởi đó là luật định. Thiên Chúa đã quan phòng cách kỳ diệu để Mẹ vượt qua được thử thách đầu đời vâng phục của mình.
Đau khổ nối tiếp đau khổ. Sinh con mà phải chấp nhận sinh nơi háng đá máng cỏ. Không còn nơi để trú ngụ, không có một bóng người cưu mang trong lúc gặp khó khăn. Maria đã chấp nhận một sự thật phũ phàng là sinh con Thiên Chúa làm người còn thua một con người hết sức bình thường. Đau lắm nhưng cũng phải chấp nhận vì lẽ vâng lời Chúa Cha.
Hài Nhi Giêsu chưa đủ lớn lại phải gặp những đau khổ đó là phải dắt díu nhau cùng Thánh Giuse trốn sang Ai Cập để thoát khỏi lưỡi gươm độc ác của Hêrôđê.
Tưởng chừng cuộc đời êm ái sau biến cố bi đát trốn khỏi Hêrôđê nhưng rồi lại phải chấp nhận một cuộc sống nghèo. Mẹ đã sống nghèo ở cái làng quê Nadarét phụ với chồng làm mộc để nuôi con.
Lên hành hương trên Đền Thánh, tưởng chừng gặp niềm vui, gặp vinh quang nhưng rồi lại gặp lời tiên báo của cụ già Simêon.
Có thể nói rằng cuộc đời của Mẹ sao mà nó sầu đến thế, nó bi đến thế. Chưa hết! Tột cùng của nỗi đau đó là Mẹ phải lê bước cùng con mình trên con đường khổ nạn. Và, đỉnh điểm chính là nhìn con mình chết đau đớn nhục nhã trên đồi Sọ và sau đó đau đớn ôm xác con mình trong lòng. Không phải là một cái xác  bình thường như bao cái xác khác nhưng lại là cái xác nát bươm do những đòn roi của quân lính...
Qua những thăng trầm đầy khổ đau của cuộc đời, Mẹ đã luôn vâng phục với tất cả tình yêu và niềm tin.
Nhìn lại cuộc đời của Mẹ, ta thấy một điểm đặc biệt: đó là Mẹ quả có “sầu thật sầu”, nhưng không “bi luỵ, bi thảm, bi quan”. Sầu, bởi lẽ là thân phận con người yếu ớt và nhất là phận gái mười tám đôi mươi mà rơi vào cái cảnh tận cùng của con mình khi nhận lời xin vâng và sinh con cũng như nuôi con như thế. Sầu đau, tủi nhục nhưng Mẹ không bi luỵ, bi thảm, bi quan bởi lẽ Mẹ vẫn tin tưởng hoàn toàn vào Thánh ý Chúa, vào sự quan phòng mà Thiên Chúa đã hứa ban cho đời của Mẹ. Mẹ không bi quan bởi lẽ Mẹ tín thác, Mẹ để cho thánh ý của Chúa hoàn toàn hoạt động trên cuộc đời của Mẹ.
Hình ảnh đẹp nhất chiều thứ Sáu Tuần Thánh đó là Mẹ đã đón nhận Gioan như đón nhận cả nhân loại thất tín bất trung này vào trong lòng Mẹ để Mẹ ấp ủ cưu mang.
Nhìn lên ảnh Mẹ, nhìn lên cuộc đời của Mẹ, ta thấy vầng hồng của sự chịu đựng, vầng hồng của đau khổ, vầng hồng của vâng phục và tình yêu. Sau đau khổ, Mẹ được hưởng vinh quang Nước Trời mà Chúa hứa ban cho Mẹ.
Ngày hôm nay, nhìn lên cuộc đời của Mẹ để thấy rằng: những đau khổ mà ta chịu đó, quả chẳng có là gì so với những đau khổ và tủi nhục mà Mẹ đã gánh chịu. Chắc có lẽ trên đời này chẳng ai đau khổ như Mẹ. Mẹ đã vượt qua những đau khổ nhờ tin tưởng, phó thác và vâng phục.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét