MẸ SẦU BI
(Bài suy tư của Đức Cha Giuse Vũ Văn Thiên)
Trong quan niệm đời thường, người ta thích nhắc tới những kỷ niệm vui
đã từng gặp trong đời. Bởi lẽ mỗi khi nhắc tới những kỷ niệm đó, người ta cảm
thấy hạnh phúc và an bình. Trong các tước hiệu người tín hữu công giáo dành cho
Đức Mẹ, có một tước hiệu không gợi đến một nhân đức hay một đặc ân của Đức Mẹ,
đó là Mẹ Sầu Bi. Truyền thống của Giáo Hội từ lâu cũng suy gẫm về các sự đau
khổ của Đức Trinh Nữ qua kinh “Ngắm bảy sự đau đớn Đức Bà”. Tại sao lại tính sự
đau khổ của Đức Mẹ với con số bảy? Thiển nghĩ, số bảy tượng trưng cho con số
đầy đủ và viên mãn, như một tuần có bảy ngày phỏng theo tác giả sách Sáng Thế;
hoặc người Do Thái quan niệm tha thứ bảy lần; hay truyền thống của người Do
Thái cứ bảy năm thì cho đất đai được nghỉ ngơi và cho nô lệ phóng thích. Khi
liệt kê có bảy sự thương khó của Đức Mẹ, phải chăng truyền thống đạo đức bình
dân muốn khẳng định: Đức Mẹ đã chịu rất nhiều đau khổ. Nếu Đức Giê-su đã trải
qua mười bốn chặng đường thánh giá (gấp đôi con số bảy), thì Đức Mẹ cũng đồng
lao cộng khổ với Người. Bảy sự đau đớn của Đức Trinh Nữ Maria được sắp xếp như
sau: 1-Lời ngôn sứ của cụ già Si-mê-on; 2-Trốn sang Ai-cập; 3-Đức Mẹ lạc mất
Chúa Giê-su; 4-Đức Mẹ gặp Chúa Giê-su vác thánh giá; 5-Đức Mẹ dưới chân thập
giá và chứng kiến cơn hấp hối của Con mình; 6-Đức Mẹ ôm xác con mình khi tháo
đanh từ thập giá; 7-Đức Mẹ cùng với các môn đệ táng xác Chúa Giê-su.
Nếu chỉ tôn vinh Đức Mẹ như một tạo vật được Thiên Chúa ưu đãi, ta có
cảm tưởng như Đức Mẹ đương nhiên được Chúa bao bọc và con đường nên thánh của
Đức Mẹ được trải toàn nhung lụa. Không phải thế, mặc dầu được Thiên Chúa gìn
giữ từ khi thụ thai khỏi tội nguyên tổ, nhưng vinh quang của Đức Mẹ là kết quả
của cuộc đời yêu mến Chúa và hiến toàn thân cho Ngài. “Lửa thử vàng, gian nan
thử đức”, những đau khổ Mẹ đã gánh chịu chính là bằng chứng cho lòng trung
thành bền chí của Mẹ. Từ giây phút nói lời “Xin vâng” trước lời đề nghị của sứ
thần Ga-bri-en, Mẹ đã bước vào một hành trình mới, xen lẫn vui mừng và khổ đau,
như lời cụ già Si-mê-on tại Đền thờ Giê-ru-sa-lem đã báo trước. Phụng vụ của
Giáo Hội đã áp dụng cho Đức Trinh Nữ Maria hình ảnh của người phụ nữ đau khổ
được nhắc tới trong sách Ai-ca: “Hỡi những khách qua đường, hãy trông
xem: Có đớn đau nào như cái đớn đau hành hạ thân tôi!” (Ai-ca 1,12).
Tại thành phố Portland, thuộc tiểu bang Oregan, Hoa Kỳ, Đức Mẹ Sầu Bi
được tôn kính cách đặc biệt từ những năm 20 của thế kỷ trước. Đây là một vùng
đồi núi, quanh năm được phủ kín một màu xanh của những rừng thông bạt ngàn.
Tượng Đức Mẹ Sầu Bi (Pieta) trạm khắc bằng đá cẩm thạch màu trắng ngự trong một
hang đá lớn. Cạnh đó là một ngôi nhà thờ trước đây của một tu viện thuộc dòng
Nữ tỳ Đức Maria. Từ gần một thế kỷ, nơi đây đã trở thành Đền thánh quốc gia tôn
kính Mẹ Sầu Bi (The National Sanctuary of Our Sorrowful Mother). Được biết, với
sự hiện diện của cộng đoàn công giáo Việt Nam từ năm 1977 tại thành phố
Portland, ngày hành hương truyền thống vào dịp đầu tháng 7 dương lịch hằng năm
trở nên sầm uất và sốt sắng hơn. Số giáo dân Việt Nam về tham dự ngày hành
hương lên tới 6 hoặc 7 ngàn người. Người công giáo Việt Nam có truyền thống yêu
mến Đức Mẹ. Những dịp hành hương kính Đức Mẹ ở trong nước cũng như ở hải ngoại
cho thấy dù đi đến phương trời nào, các tín hữu Việt Nam vẫn trung thành với
truyền thống tốt đẹp của mình. Người công giáo Việt Nam tôn nhận Đức Maria là
Nữ Vương nước Việt Nam. Ở hải ngoại, nơi nào có cộng đoàn công giáo Việt Nam,
thì nơi đó có những nhà thờ, nhà nguyện mang tên Đức Mẹ La Vang, một danh xưng
gợi cho mọi người nhớ về cội nguồn tiên tổ, đồng thời cũng khích lệ họ giữ vững
Đức tin và duy trì truyền thống văn hóa của Dân tộc.
Cùng với Hang đá Đức Mẹ và nhà thờ, khách hành
hương còn được đến thăm khu vườn trên đỉnh đồi. Có một thang máy đưa khách hành
hương lên vườn. Trên đỉnh đồi cao chừng 40 mét so với mặt đất, một khu vườn
tuyệt đẹp, rộng rãi. Những thảm cỏ xanh được điểm bằng những bồn hoa muôn màu,
tạo nên một cảnh quan vừa thanh bình mát mẻ, vừa trang nghiêm thanh tịnh giúp
ta nâng tâm hồn lên với Chúa. Khách hành hương có thể dạo bước theo các lối đi
để suy tư cầu nguyện, hoặc ngồi tại những chiếc ghế bằng gỗ dài đặt rải rác
trong vườn. Nơi đây, có bảy tượng đài bằng gỗ diễn tả bảy sự đau đớn của Đức
Mẹ. Tại một khu vườn bên cạnh, khách hành hương có thể suy niệm trước những bức
phù điêu bằng đồng diễn tả 20 màu nhiệm Mân Côi. Giữa màu xanh của rừng thông
được trang điểm bằng những vườn hồng rực rỡ, cộng với khí hậu trong lành mát mẻ
và bầu khí nhẹ nhàng yên tĩnh, ta có cảm tưởng như lạc vào một thế giới linh
thiêng. Nơi đây, con người dễ dàng gặp Chúa và tâm sự với Ngài. Rải rác trong
vườn, ta có thể gặp thấy những nhà nguyện nhỏ bằng gỗ được dâng kính Đức Mẹ
hoặc các thánh. Tại một triền đồi, nơi có thể ngắm nhìn toàn thành phố
Portland, một ngôi nhà nguyện có tường toàn bằng kính được dựng lên để khách
hành hương đến cầu nguyện và ngắm nhìn toàn cảnh thành phố. Trong nhà nguyện
này, có tượng Đức Mẹ Sầu Bi bằng đồng được đúc theo mẫu bức tượng do ông
Michelangelo chạm bằng đá cẩm thạch được trưng bày trong Đền Thánh Phê-rô ở
Rô-ma.
Khi tôn vinh Đức Mẹ là Mẹ Sầu Bi, chúng ta học nơi Đức Mẹ sự can đảm và
lòng trung thành với Chúa. Hình ảnh Đức Mẹ đứng kề bên thập giá Chúa Giê-su
luôn là mẫu mực cho người tín hữu khi gặp khó khăn gian khổ trong cuộc đời.
Trên đồi Can-vê buổi chiều năm xưa, Mẹ đứng đó, âm thầm chịu đựng, kiên vững
cậy trông. Mẹ không phàn nàn kêu trách Chúa. Mẹ biết rằng Thiên Chúa có chương
trình của Ngài mà con người không thể hiểu thấu. Mẹ cũng xác tín rằng những ai
yêu mến Chúa không bao giờ bị bỏ rơi. Chính trong giờ phút đau thương này, lời
thưa “Xin Vâng” của Mẹ từ ngày Truyền tin được lặp lại với sự khiêm nhường và
tuân phục .
Mỗi khách hành hương đến với nơi này đều có một cảm nghiệm riêng, nhưng
chắc chắn một điều, những ai đến đây với tâm tình cầu nguyện đều được Đức Mẹ thương
an ủi vỗ về. Mẹ đã chịu nhiều đau khổ để cộng tác với Chúa Giê-su trong công
cuộc cứu độ trần gian. Nay Mẹ cũng cảm thông với chúng ta là những người đang
mang gánh nặng cuộc đời.
Lạy Mẹ Sầu Bi, xin thương chúc lành cho Dân tộc
Việt Nam thân yêu của chúng con. Xin Mẹ nâng đỡ và thêm sức cho những ai đang
chịu đau khổ, để họ vững lòng cậy trông nơi Chúa và tìm thấy hy vọng trong hành
trình cuộc đời. Amen.
Portland, lễ Đức Mẹ Trinh Nữ Vương, 22-8-2014
+Gm Giuse Vũ Văn Thiên
Nữ Vương Việt Nam
(Suy tư từ Missouri nhân Ngày Thánh Mẫu 2014)
Phải
chăng người công giáo Việt Nam quá “tham lam” khi tôn vinh Đức Mẹ với danh hiệu
“Nữ Vương nước Việt Nam”, nhưng đó là một sự tham lam thánh thiện và xuất phát
từ tình yêu mến. Thực vậy, người con thảo nào mà không muốn nhận người mẹ trong
gia đình như mẹ riêng của mình, dù vẫn biết rằng “nước mắt chảy xuôi”, tình
thương mẹ dành cho các con đều như nhau. Người công giáo Việt Nam muốn đặt để
đất nước và dân tộc của mình dưới sự bảo trợ từ ái của Mẹ. Họ muốn tôn nhận Mẹ
là của riêng dân tộc mình, để Mẹ che chở và yêu thương với tâm tình hiền mẫu
của Mẹ.
Trước khi tới Missouri, tôi đã được nghe
nhiều người kể về Ngày Thánh Mẫu do Chi Dòng Đồng Công Hoa Kỳ tổ chức hằng năm
tại đây, kèm theo những dữ liệu thông tin về quy mô tổ chức và số người tham
dự. Tuy vậy, thật khó mà tưởng tượng một con số sáu mươi hoặc bảy mươi ngàn
người Việt Nam cùng quy tụ trên đất nước Hoa Kỳ. Trăm nghe không bằng một thấy,
nhận lời mời của Cha Bề Trên Giám Tỉnh, tôi hân hạnh được hiện diện tại đây
trong Ngày Thánh Mẫu năm 2014 này. Ấn tượng đầu tiên mà mỗi khách hành hương
đều ghi nhận là sự trật tự trong tổ chức. Sống trên đất Mỹ, nên bà con
Việt Nam học nơi xứ sở văn minh này ý thức trật tự và nghiêm túc thực hiện
những quy định chung của Ban Tổ chức. Chưa rõ thống kê chính thức về số người
tham dự Ngày Thánh Mẫu năm nay, nhưng rảo qua một vòng, tôi thấy rất nhiều xe
và cũng rất nhiều người. Ngày Thánh Mẫu đã trở thành một điểm hẹn cho người
công giáo Việt Nam đang sống tại Hoa Kỳ cũng như một số nước khác. Được biết
một số đồng hương ngoài công giáo cũng có mặt trong cuộc hội ngộ này. Khách
hành hương chỉ có một số nhỏ thuê khách sạn, hầu hết đều mang theo lều vải để
làm nơi nghỉ ngơi. Mặc dù phải ngủ trong những chiếc lều trên những thảm cỏ
xanh, với điều kiện thời tiết lúc mưa lúc nắng, nhưng mọi người đều vui vẻ,
thân thiện. Chính quyền thành phố Carthage cũng dành nhiều ưu đãi cho Ngày
Thánh Mẫu, nhất là các dịch vụ an ninh và y tế.
Chương trình Ngày Thánh Mẫu bao gồm các
buổi thuyết trình, đan xen là các thánh lễ và các giờ cầu nguyện. Ban tổ chức
đã sắp xếp những buổi hội thảo do các linh mục nổi tiếng về giảng thuyết trình
bày, với nội dung có liên quan đến nhiều lãnh vực khác nhau. Những người đến
tham dự hội thảo rất đông, tiếc rằng các hội trường chỉ chứa được hoảng 2000 người,
nên có nhiều người muốn dự mà không còn chỗ trống. Trong tình hiệp thông với
Giáo Hội tại Quê Nhà, chủ để được chọn cho Ngày Thánh Mẫu lần thứ 37 là “Tân
Phúc âm hóa gia đình” theo định hướng mục vụ của Hội đồng Giám mục Việt Nam.
Các bài thuyết trình và hội thảo đều xoay quanh đề tài này. Một điều cần ghi
nhận là mọi người rất nghiêm túc tham dự các buổi thuyết trình. Các tham dự
viên thuộc đủ lứa tuổi đều có mặt tại các buổi hội thảo, lắng nghe và giao lưu
chia sẻ về những vấn đề thiết thực cho đời sống Đức tin và đời sống gia đình.
Không phải là ngẫu nhiên mà những người
công giáo Việt Nam lại tụ hội lại nơi đây. Họ đến đây không chỉ đơn thuần như
những người tham gia trại hè để giải trí vui chơi. Người tín hữu về với Ngày
Thánh Mẫu như về với Mẹ Hiền. Đến với nơi này, họ như được trút bỏ mọi lo âu
của cuộc sống, gột rửa tâm hồn khỏi vương bụi trần và những tham vọng thế tục.
Đức Maria đã quy tụ họ nơi đây với tấm lòng hiền mẫu thân thương. Về với Mẹ, họ
tìm được sức mạnh và niềm vui. Vì thế, có nhiều người hầu như năm nào cũng tham
dự Ngày Thánh Mẫu, với chương trình tổng quát giống nhau mà họ vẫn hăng hái
tham dự.
Nơi đây, tại
Missouri trong những ngày này, chúng ta còn thấy nét đẹp của văn hóa Việt Nam.
Dù sống xa quê, những con dân Việt luôn tôn trọng truyền thống quý báu của ông
cha để lại. Những tà áo dài, những điệu múa, những làn điệu dân ca mang nét đẹp
độc đáo của người Việt Nam dù đi đến phương trời nào cũng được người Việt trân
trọng giữ gìn như bản sắc riêng dân tộc. Nhờ tham dự các dịp gặp gỡ chung giữa
đồng hương Việt Nam mà thế hệ trẻ có dịp học hỏi truyền thống của Tổ Tiên. Đây
cũng là dịp các em học và thực hành tiếng Việt trong giao tiếp với mọi người.
Để phục vụ nhu cầu ẩm thực trong những ngày này, có những giáo xứ mở quán ăn
gây quỹ để giúp những chương trình kiến thiết hoặc bác ái tại Hoa Kỳ cũng như ở
Việt Nam. Những tiếp viên trong các quán ăn đều là các thiện nguyện viên thuộc
các hội đoàn giáo xứ. Thật ấn tượng khi thấy các em nam cũng như nữ ở độ tuổi
19, 20, tiếng việt còn chưa sõi, nhưng rất tận tình phục vụ trong các quán ăn
với nụ cười thân thiện và tận tâm chào đón quý khách.
Ngày Thánh Mẫu cũng
là dịp để các dòng tu giới thiệu ơn gọi. Các dòng tu nam nữ đều có một gian
trưng bày những hình ảnh giới thiệu linh đạo và lý tưởng sống của dòng mình, để
mời gọi những bạn trẻ tìm hiểu và dấn thân trong sứ mạng phụng sự Thiên Chúa và
phục vụ Giáo Hội. Tại Hoa Kỳ hiện nay, có khoảng 800 linh mục Việt Nam (trong
số đó có 70 linh mục thuộc dòng Đồng Công) và rất nhiều tu sĩ nam nữ. Đó là hoa
trái thiêng liêng mà Chúa thưởng cho Giáo Hội Việt Nam, nhờ máu của các Thánh
Tử đạo và công lao khó nhọc của các Bậc Tiền nhân. Đó cũng là nhờ nỗ lực của
các bề trên các dòng tu để đời sống tu trì được phát triển. Người công giáo
Việt Nam tại Hoa Kỳ tự hào vì đã đóng góp cho Giáo Hội địa phương rất nhiều mục
tử và tu sĩ chủng sinh. Lòng đạo đức của các tín hữu gốc Việt cũng góp phần làm
cho Giáo Hội nơi đây thêm sinh động, trẻ trung và có tương lai. Nhiều cộng đoàn
công giáo Việt Nam đã đóng góp tiền để mua đất làm nhà thờ. Tại một vài nơi,
người Việt đã mua lại những khu chợ rộng lớn của người Mỹ để tu sửa làm thành
nơi thờ phượng Chúa. Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu đã quở trách những người Do
Thái vì họ biến nhà Chúa thành nơi buôn bán. Tại Hoa Kỳ, những người công giáo
Việt Nam đã biến những khu buôn bán thành nhà Chúa. Thật tự hào vì là người
công giáo Việt Nam!
Ngày Thánh Mẫu được khai mạc chiều thứ năm, ngày 7 tháng 8 và kết thúc
vào sáng Chúa nhật, ngày 10 tháng 8. Đỉnh cao của Ngày Thánh Mẫu là cuộc rước
tôn vinh Đức Mẹ và Thánh lễ đại trào kính Trái Tim Đức Mẹ vào chiều thứ bảy.
Một hình ảnh rất đẹp và rất sinh động, đó là cuộc rước trọng thể với mấy chục
ngàn người tham dự. Muôn người cùng chung một tấm lòng để ca ngợi Mẹ: “Ave
Maria”. Mẹ đáng tôn vinh và yêu mến, vì Mẹ là Mẹ của Chúa Giêsu và cũng là Mẹ
của Giáo Hội. Mẹ luôn đồng hành với các tín hữu vì họ là những môn đệ của Chúa
Giêsu, Con của Mẹ. Tham dự cuộc rước tôn vinh Mẹ, ai cũng muốn gửi gắm nơi Mẹ
tâm tình yêu mến của người con thảo, kèm theo những ước nguyện cho đời sống gia
đình, đời sống nghề nghiệp và nhất là đời sống Đức tin. Họ tin rằng Mẹ đang
hiện diện trong cuộc đời họ, tuy âm thầm mà sâu lắng, như người Mẹ luôn dõi
theo từng bước trưởng thành của con cái, với những vui buồn và những bão giông
của cuộc đời nhân thế. Vẫn biết rằng, sau khi tham dự Ngày Thánh Mẫu, những bão
giông của cuộc đời vẫn còn đó, những trăn trở âu lo vẫn đong đầy, nhưng trong
tâm tình phó thác, ai cũng tin rằng, Mẹ sẽ giúp họ, sẽ thêm sức cho họ và cùng
họ mang gánh nặng cuộc đời. Đó là lý do tại sao những trung tâm hành hương trên
thế giới thu hút rất nhiều tín hữu đến cầu nguyện. Cuộc cung nghinh Đức Mẹ đi
qua các dãy phố để Mẹ chúc lành cho mọi người, những người con dân Việt cũng
như những người Mỹ định cư trong thành phố này.
Thánh lễ kính Trái tim Đức Mẹ được cử
hành lúc 20 giờ thứ bảy, sau khi đã long trọng cung nghinh Đức Mẹ. Đức Hồng Y
Daniel Dinardo, Tổng Giám mục Galveston-Houton, chủ sự thánh lễ. Cùng đồng tế
có Đức Cha James Johnson, Giám mục giáo phận Sprinfield, Đức Cha Rutilio, Giám
mục phụ tá giáo phận San Bernadino, và Đức Cha Giuse Vũ Văn Thiên, Giám mục Hải
Phòng. Đức Mẹ ưu đãi các con cái của Mẹ từ bốn phương trời trở về, cho nên thời
tiết tối nay rất đẹp, có gió mát xua tan đi cái nóng nực của ban chiều. Một ca đoàn
tổng hợp gồm khoảng 250 ca viên từ 12 ca đoàn đến từ các vùng lân cận đã làm
cho phụng vụ thánh lễ thêm sinh động và đậm nét văn hóa Việt Nam. Dù cộng đoàn
tham dự thánh lễ rất đông, nhưng vẫn giữ được nét trang nghiêm, sốt sắng, không
chen lấn xô đẩy, thể hiện ý thức của một xã hội văn minh.
Ngày mai, chúa nhật, thánh lễ bế mạc sẽ
được cử hành lúc 7 giờ sáng. Tạ ơn Chúa vì Ngày Thánh Mẫu năm nay được tổ chức
sốt sắng và tốt đẹp. Ngày mai, sau thánh lễ, những con cái của Mẹ lại lên
đường, vất vả ngược xuôi với cuộc sống, trăn trở âu lo với những nỗi niềm. Tuy
vậy, những ai đã tham dự Ngày Thánh Mẫu chắc chắc sẽ thấy mình có thêm can đảm
và hy vọng để bước đi với gánh nặng cuộc đời, vì họ tin rằng Mẹ Đấng Cứu Thế
luôn che chở và nâng đỡ họ với tình hiền mẫu vô biên. Lạy Nữ Vương nước Việt
Nam, chúng con tôn vinh và cậy trông Mẹ. Xin Mẹ giúp chúng con nên thánh trong
chính bổn phận đời thường của mỗi người chúng con. Xin Mẹ ban hòa bình cho Quê
Hương yêu dấu của chúng con Amen.
Viết tại
Carthage, MO thứ bày, 9-8-2014
+Gm Giuse Vũ Văn Thiên
MẸ ĐẦY ƠN PHÚC
(Suy niệm từ Lộ Đức)
“Thật từ nay
muôn thế hệ sẽ khen tôi có phúc”.Lời ca của Đức Mẹ trong kinh Magnificat là một
lời tiên tri đã được thực hiện. Quả thật, Mẹ được ca tụng bằng mọi ngôn ngữ
trên thế giới. Hình ảnh của Đức Mẹ đã trở nên thân thuộc và không thể thiếu
trong các gia đình công giáo. Mẹ đã là nguồn cảm hứng cho biết bao họa sĩ, thi
sĩ và nhạc sĩ. Những bài hát về Mẹ thì vô kể, những tác phẩm hội họa để diễn tả
Mẹ ở nhiều khía cạnh khác nhau thì đa dạng phong phú.
Tôi vinh dự được hòa mình vào dòng người hành hương tại Lộ Đức. Thời tiết
đầu tháng bảy ở đây vẫn còn se lạnh và có pha chút mưa rải rác. Tuy vậy, mưa
lạnh không thể cản bước chân những con cái Mẹ từ khắp nơi đến để ca tụng Mẹ đầy
ơn phúc. Khá đông khách hành hương đến từ Italia và Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha,
Đức. Đây là những quốc gia có truyền thống công giáo lâu đời. Đức tin Kitô đã
bén rễ sâu nơi nền văn minh và cuộc sống của họ. Nơi đây, quanh năm đều có
những người hành hương đến kính Đức Mẹ, nhất là trong những tháng mùa hè. Việc
có đông đảo khách hành hương đến nơi này chứng tỏ Mẹ đã đổ xuống muôn ơn cho
người có lòng cậy trông yêu mến Mẹ. Không thể kể hết những trường hợp đã được
ơn của Mẹ khi về với Lộ Đức, những ơn phần xác cũng như ơn thiêng liêng phần
hồn. Một trung tâm lớn được xây dựng để đón tiếp các bệnh nhân, với hàng trăm
thiện nguyện viên tận tụy phục vụ. Những bệnh nhân đến với Lộ Đức để cầu xin ơn
nâng đỡ trong đớn đau bệnh tật. Khi rời Lộ Đức, mặc dù vẫn còn đó sự đớn đau
của bệnh, nhưng chắc chắn một điều, ai cũng cảm thấy tâm hồn thảnh thơi hơn. Họ
có thêm nghị lực để đón nhận những khó khăn của tuổi già, hoặc chấp nhận những
bệnh tật là điều tất yếu của kiếp con người. Nơi đây, ngay cả những bệnh nhân
không thể chữa lành, họ vẫn có thể tìm được bình an trong những ngày cuối cùng
của cuộc sống trần gian.
Đến với Lộ Đức,
chúng ta được mời gọi ôn lại lịch sử đã làm nên tính thiêng liêng của mảnh đất
này. Nơi đây, Đức Mẹ đã nhiều lần hiện ra với thiếu nữ Bernadette Soubirous,
lần đầu tiên là ngày 11-2-1858. Việc Đức Mẹ hiện ra tại Lộ Đức không phải dễ
dàng được đón nhận ngay từ ban đầu. Hàng giáo sĩ cũng như nhà cầm quyền địa
phương lúc đầu đều phủ nhận việc Đức Mẹ hiện ra với thiếu nữ Bernadette, là em
bé mục đồng của làng quê lúc đó. Trong các lần hiện ra, Mẹ ngỏ lời muốn người
ta xây một nhà nguyện tại nơi hoang vu này. Mẹ cũng đã truyền cho Bernadette
lật tảng đá dưới chỗ Mẹ hiện ra và từ đó nguồn nước tuôn trào một cách lạ lùng.
Trong lần hiện ra ngày 25-3-1858, Bernadette đã đặt câu hỏi “Bà là ai?, Mẹ đã
trả lời bằng ngôn ngữ địa phương: “Ta là Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội - Que
soy era Immaculada Counceptiou”. Khi nghe những lời này, Bernadette vội vàng
chạy về gặp cha xứ để nói cho ngài biết tên của “Bà hiện ra”. Thật là một điều
bất ngờ! Đây là tín điều Đức Giáo Hoàng Pi-ô IX long trọng công bố 4 năm trước
đó (1854). Chỉ khi thiếu nữ lặp lại lời Đức Mẹ, mọi người mới tin đó là Đức Mẹ
hiện ra. Thiếu nữ Bernadette sau này đã trở thành một nữ tu và đã được phong
thánh ngày 8-12-1933 do Đức Giáo Hoàng Pi-ô XI.
“Mẹ đầy ơn
phúc”.Mọi khách hành hương đến đây đều nhằm tôn vinh Mẹ với tước hiệu cao cả mà
chính sứ thần Gabrien đã chào kính Mẹ. “Ave Maria” đã trở thành những từ ngữ
rất quen thuộc nơi môi miệng người tín hữu công giáo. Lời ca này đã trở thành
tiếng gọi mời quy tụ muôn ngàn con cái của Mẹ về với Lộ Đức. Những ai đã tham
dự cuộc rước Đức Mẹ tại đây đều có những cảm nhận rất thiêng liêng. Hàng chục
ngàn người, tay cầm nến sáng giơ cao làm thành một rừng nến sáng và cùng hát
điệp khúc của bài “Ave Maria Lộ Đức”. Nơi đây không còn phân biệt nguồn gốc hay
màu da, tất cả đều chung một tấm lòng để tôn vinh Đức Mẹ. Họ tự hào về Mẹ. Đến
với Lộ Đức, họ quên hết nhọc nhằn của đường xa và gánh nặng của cuộc đời, để
rồi khi rời Lộ-đức để trở về với đời thường, họ có thêm nghị lực để sống và có
thêm lòng kiên nhẫn để chấp nhận những khó khăn thử thách.
Khi hiện ra tại
Lộ Đức, Đức Mẹ nhắc lại cho nhân loại sứ điệp mà Chúa Giêsu đã trung thành rao
giảng, đó là sứ điệp về một Thiên Chúa là tình yêu. Ngài yêu thương chúng ta
mặc dù chúng ta còn nhiều bất xứng vì tội lỗi. Hang đá Massabiel trước đó là
một hang đá dùng để nhốt lợn, rất hôi hám và tăm tối, vậy mà Mẹ Thiên Chúa đã
đặt chân đến nơi này, tươi cười ngỏ lời với một em bé chăn cừu. Điều này làm ta
liên tưởng tới hang đá Belem, nơi Con Thiên Chúa đặt bước chân đầu tiên đến với
nhân loại. Mẹ đến đây làm cho Lộ Đức trở thành một linh địa, cũng như Đức Giêsu
sinh hạ tại Belem đã biến nơi này thành Đất Thánh.
Sứ điệp của Lộ
Đức còn là lời mời gọi nên thánh. Ơn vô nhiễm nguyên tội là một đặc ân Thiên
Chúa ban cho Đức Mẹ. Mỗi tín hữu, khi lĩnh nhận bí tích Thanh Tẩy, được gột rửa
mọi tội lỗi để sống trong ánh sáng là chính Đức Giêsu Kitô. Tuy vậy, vì phải
bon chen vật lộn trong cuộc sống hằng ngày, người tín hữu, mặc dù đã được thanh
tẩy, vẫn không thắng nổi những cám dỗ của xác thịt và thế gian. Là con người
sống giữa thế gian, họ luôn bị ảnh hướng bởi lối sống của xã hội xung quanh. Ơn
vô nhiễm nguyên tội của Đức Mẹ là mẫu mực và là lời mời gọi chúng ta hãy sống
xứng đáng với danh dự Kitô hữu, tức là người mang danh Chúa Kitô và là người
đang phấn đấu mỗi ngày để trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô Con Thiên
Chúa và là mẫu mực của chúng ta.
Là Mẹ Giáo Hội
và Mẹ của các tín hữu, Đức Mẹ không chỉ đến thăm các con cái của Mẹ tại Lộ Đức.
Trên thế giới có rất nhiều địa danh được Mẹ đến viếng thăm. Tuy vậy, nếu tại
địa phương hay giáo xứ chúng ta không có vinh hạnh được Mẹ đến thăm, thì Đức
tin và tình yêu mến mách bảo chúng ta rằng Mẹ đang hiện diện bên ta với lòng từ
mẫu bao la. Bởi lẽ có người mẹ nào lại bỏ rơi con mình? Vì vậy, chúng ta có thể
“hành hương” bất cứ lúc nào ngay tại môi trường sống cụ thể của mình. Hãy nhớ
lại điều Mẹ đã dạy ở Phatima, Lộ Đức, La Vang. Một điều chắn chắn làm Mẹ hài
lòng, đó là đón nhận và thực thi giáo huấn của Đức Giêsu Con của Mẹ, như Mẹ đã
căn dặn những người giúp việc ở đám cưới Cana năm xưa: “Người bảo gì thì
các anh cứ việc làm theo” (Ga 2,5).
“Mẹ đầy ơn
phúc”,đó là lời ca tụng của sứ thần Gabrien trong ngày truyền tin. Đó cũng là
lời ca tụng của mỗi chúng ta. Những ơn phúc của Mẹ được thông ban chia sẻ cho
chúng ta là những người yêu mến Chúa và năng chạy đến cùng Mẹ, trong mọi giây
phút của cuộc đời.
Lộ-đức, ngày 1
tháng 7 năm 2014
+Gm Giuse Vũ Văn
Thiên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét